Thứ Năm, 10 tháng 1, 2008

Ở phía sau cửa sổ

Lâu rồi mới dám bình thơ.
Phần vì cũng muốn xả stress, phần vì say...

Tôi vẫn tự hào với bạn bè rằng tôi đọc được hai thứ mà người ta vẫn ghét: Thơ và Triết học.
Có lẽ vì thế mà tôi bỏ vợ và vợ bỏ tôi...
Trở về vấn đề chính, lan man như thằng say vậy!
Vừa tìm lại một bài thơ đầy kỷ niệm tuổi trẻ của Thế Dũng, nhớ hồi đó in trên một cuốn mỏng dính, bìa có vẽ một bức tranh mầu nước nham nhở, bài đó là "Ở phía sau cửa sổ..."

Ở phía sau cửa sổ-cuộc đời ai?
Đã kịp vẽ chân dung người chết trẻ
Sao em hát trời xanh run rẩy thế
Những đôi chim không muốn ngã ngang đường.

Dĩ nhiên thơ là phải chắt lọc ngôn từ đến cùng cực, nhưng không hiểu sao tôi vẫn run lên vì cách dùng từ của nhiều người - "trời xanh run rẩy thế ". Bất giác nhìn lên trời, cũng run thật.
Nhớ khi xưa mình dám thương thầm một cô gái, rồi vì bồng bột mà mình để mất nàng. Sau đó tôi đâm ra kinh sợ chùa Hương, sợ cái thác Khoang Xanh, sợ nhiều con phố vì ở đó đã in bóng nàng. Có khi nàng chưa đi qua, nhưng tôi đã đi qua với hình bóng đó trong tim, trước mắt... và quãng đời tôi sau đó đã vĩnh viễn mất cảm giác "yêu".
"Chết trẻ" đó là mất, như tôi đã mất... Bây giờ tôi đang bị trả giá, và vết thương đó lại nhức nhối hơn bao giờ hết!

Ở phía sau cửa sổ - mỗi đời thường
Có biển sáng giấu nhiều châu ngọc lạ
Có mảnh vỡ một mối tình vô giá
Có tháng ngày cát bụi hóa pha lê

C. R. Darwin có thể coi con khỉ gần con người, còn tôi thì vẫn muốn gắn con người với những con sông.
Từ thượng nguồn, có tảng đá lăn theo dòng nước. Qua hàng trăm dặm thân thể nó trang trải cho dặm trường rồi tan vỡ, mòn mỏi thành những hạt cát - nhỏ bé đến nỗi không thể nhỏ bé hơn. Nó thành phù sa nuôi người, thành các nền văn minh phán xét lại nó. Nếu may mắn vài hạt cát nào ra tới biển, rồi một hạt may mắn nhất rơi vào miệng một con sò... Con sò này phải chắt lọc cả đời và tinh túy cơ thể để bao bọc hạt cát đó để nó khỏi bị tổn thương. Cái hạt cát được bao bọc đó cứ lớn dần lên, khi nó "chín" cũng là khi cái bao bọc nó sẽ từ trần, cái vỏ xù xì, xấu xí. Người ta cậy ra chỉ ban cho nó một tiếng reo :"Ngọc trai!"...
Tôi cũng đã và đang bao bọc một viên ngọc như vậy... bao giờ người ta tìm thấy tôi?
"Xa cách với tình yêu như gió với lửa, nó làm tắt tình yêu yếu đuối và thổi bùng tình yêu mãnh liệt". Tôi với em xa nhau về trục thứ ba - thời gian. 15 năm rồi còn gì...

Ở phía sau cửa sổ - cuộc đời kia
Ai mua chịu hoa hồng cho sinh nhật
Có chuyện cổ ảo huyền mà rất thật
trẻ con cười trời đất hóa nôi êm.

Chính là cảnh bố con tôi bây giờ đó... Tôi chỉ sống bằng những nụ cười của Bin. Đó chính là mạng sống của tôi...
Chắc không cần bình thêm nữa!

Ở phía sau cửa sổ - cuộc đời em
Mưa nắng xói trên cành hồng chín đóa
Ai đã hứa mấy ngân hà kỳ lạ
Ai đã thề xin chết một tình yêu.

Ở phía sau cửa sổ - có cánh diều
ngủ chết giấc trên tường quên biệt gió
Có khung vải như khoảng trời bỏ ngỏ
xui sắc hình từ ngực thẳm bay lên.

Mãi về sau này tôi mới biết...
Ghen tuông của tôi là vô lý nhưng những giọt nước mắt em giành cho tôi là thật (mặc dù tôi không được chứng kiến) và sự trừng phạt tôi phải nhận là đúng. Nếu tôi có em, số phận tôi đã thay đổi, nhưng "avec "Si", on peut metre Paris dans un bouteillard"...
Em là cô gái duy nhất tôi chưa vẽ chân dung...
Khung vải vẫn ngỏ, chắc hẹn kiếp sau...

Ở phiá sau cửa sổ - Quỷ và Tiên
Có vật lộn giữa lòng ai buốt nhức
Có sáu mặt cuộc đời con súc sắc
suốt một đời lăn lóc chẳng ly tâm.

Ở phía sau cửa sổ - có người câm
Im lặng hát giữa một trời hoa tím
Có hoa súng chẳng bao giờ to tiếng
Có một chiều người ở gọi người đi.

Là tôi đấy!
Chưa bao giờ tôi thấy cô đơn như bây giờ. Có lẽ con đường tôi chọn sai nên tôi không có kẻ đồng hành, à! Có Bin - Phùng Chí Đức. Nó cần tôi và tôi không bao giờ cho phép nó thất vọng về mình.

Ở phía sau cửa sổ - mấy chia ly
những giọt lệ tuổi già ai kịp thấy
Ngày chết trận em chưa hề mười bẩy
Mẹ bao giờ hết khổ, gió thu ơi!

Đến bây giờ tôi thấy mình thật vô nghĩa!
Phần còn lại của bài này tôi thấy nên giành cho người khác, tôi không thấy (hoặc chưa thấy) mình trong đó...
Hay là đợi cơn say sau?
Chí Phèo!

Không có nhận xét nào: